CETEC DENTAL LAB: CHẤT LƯỢNG VƯỢT TRỘI - CHI PHÍ HỢP LÝ - TẬN TÂM, CHUYÊN NGHIỆP

Hotline: 0903 938 480 - 0902 468 955 - 0903 345 955

Phân loại các vật liệu Sứ trong Nha Khoa

Hiện nay trên thị trường có quá nhiều hệ thống sứ khác nhau. Trong mỗi hệ thống lại có nhiều loại sứ với những tên gọi khác nhau nữa. Nhiều lúc mình cảm thấy rất là đuối khi cố gắng phân biệt, tìm hiểu về bản chất và đặc điểm của các loại sứ này. Nào là: Ceramco, Lava, IPS e.max, alumina, zirconia, sứ ép, sứ phủ…blah blah… rối tung rối mù.

Sau một thời gian ngồi thở dốc thì mình cũng đã chịu khó tranh thủ đọc một vài tài liệu, sách báo tạp chí cũng như đi nghe các bài giảng về vật liệu sứ. Và bây giờ mình đã cảm thấy đỡ nhức đầu hơn chút. Sau đây là một số kiến thức mình đã thu lượm được.

Sứ là gì?

Sứ là chất rắn vô cơ không kim loại được sản xuất bằng cách nung các thành phần thô ở nhiệt độ cao, sau đó làm nguội theo tuần tự. Do đó, những vật liệu được gọi là sứ mà có chứa thành phần hữu cơ hoặc chế tạo bằng những kỹ thuật khác thì không thật sự là sứ theo định nghĩa.

Thành phần của sứ là gì?

Sứ gồm hai phase khác nhau: phase thủy tinh và pha tinh thể. Chúng có thể có cấu trúc tinh thể hoàn toàn, tinh thể bán phần hoặc dạng vô định hình (như thủy tinh) tùy theo tỷ lệ thành phần của hai phase.

Sứ nha khoa được phân loại ra sao?

Có nhiều cách phân loại sứ nha khoa: theo cấu trúc, theo ứng dụng, theo phương pháp chế tác, theo thành phần… Thường thì sứ được phân loại theo cấu trúc vi thể, giúp cho các nhà khoa học hiểu về bản chất hóa học và cấu trúc của chúng. Tuy nhiên như vậy lại ít thuận lợi cho bác sĩ khi lựa chọn vật liệu. Bên cạnh đó, phương pháp chế tác sứ cũng có ảnh hưởng lớn đến những đặc điểm cơ học, từ đó ảnh hưởng đến các đặc tính lâm sàng của chúng. Một phân loại sứ dựa trên thành phần cấu tạo và phương pháp chế tác sẽ cung cấp những thông tin lâm sàng rõ ràng hơn để đánh giá và lựa chọn một loại sứ bảo tồn nhất, phù hợp nhất cho mỗi trường hợp. Theo thành phần cấu tạo và phương pháp chế tác, ta có các loại sứ sau đây

  1. Sứ đắp thiêu kết (dạng bột và nước)

Đây là loại sứ truyền thống chúng ta vẫn biết đến, thường dùng để đắp bề mặt các phục hình sứ sườn kim loại vẫn được làm hằng ngày. Còn được gọi là sứ phủ, men sứ, sứ phủ trường thạch (feldpasthic porcelain)… Được chế tạo từ những vật liệu chứa chủ yếu silicon dioxit có nguồn gốc từ trường thạch trong tự nhiên. Chúng gồm một pha tinh thể (có tỷ lệ thay đổi) nằm bên trong khung thủy tinh.

Một vài cái tên quen thuộc có thể nhắc đến như: Ceramco 3 (DENTSPLY International), Creation Porcelain (Jensen Dental), EX-3 (Kuraray Noritake Dental Inc), VITA VM13 (VITA Zahnfabrik), Vintage Halo (Shofu), IPS e.max Ceram (Ivoclar Vivadent).

Su2Su3Hình ảnh trước, trong và sau khi điều trị của hai mặt dán làm bằng sứ phủ

Vật liệu sứ nhóm này được chế tác bằng tay dưới dạng bột và nước. Là vật liệu sứ trong suốt nhất, tuy nhiên lại kém bền nhất. Lý tưởng nhất trong những trường hợp mô răng còn lành mạnh và lượng men răng còn lại đáng kể (còn lại trên 50% men răng, chiếm hơn 50% diện tích dán của cùi răng và trên 70% chu vi đường hoàn tất là men). Phục hình bằng sứ phủ dán lên men răng đã cho thấy thành công cao về lâu dài.

Sứ phủ có độ thẩm mỹ và khả năng chế tác cao. Nhờ khả năng có thể đắp thành từng lớp rất mỏng và gắn trực tiếp lên men răng mà chúng được xem như là loại bảo tồn nhất trong nhóm sứ không kim loại. Các loại sứ này chỉ cần độ dày 0.2-0.3mm cho mỗi bậc đổi màu (chẳng hạn như A2 lên A1, 2M1 lên 1M1).

Su4Vật liệu nhóm này chỉ định cho phục hình toàn sứ chủ yếu là ở răng trước, tuy nhiên đôi khi cũng có thể dùng cho răng cối nhỏ và hiếm khi chỉ định cho răng cối lớn.

  1. Sứ thủy tinh

Tương tự như sứ phủ nhóm 1, sứ thủy tinh cũng có khung thủy tinh và phase tinh thể, tuy nhiên khác nhau về loại tinh thể và tỷ lệ thủy tinh/tinh thể. Các loại tinh thể có thể được thêm vào từ bên ngoài, hoặc tạo nhân rồi phát triển nhân tinh thể từ bên trong khung thủy tinh. Chúng cũng được chế tác bằng phương pháp khác với nhóm 1. Chúng thường được sản xuất dưới dạng những khối sứ công nghiệp để ép nhiệt hoặc chế tác bằng máy.

Sứ thủy tinh có độ bền cao, khả năng kháng nứt gãy tốt và đạt thẩm mỹ tự nhiên, là một lựa chọn thay thế linh hoạt, có chỉ định rộng rãi. Có thể dùng để làm inlay, onlay, mão sứ nguyên khối, mặt dán sứ. Được chỉ định trong những trường hợp có nguy cơ cao (còn lại dưới 50% mô răng, diện tích dán trên men không tới 50%, trên 30% đường hoàn tất là ngà răng)

Do có tính chất thủy tinh nên chúng được khuyến cáo phải được dán lên mô răng chứ không chỉ gắn bằng cement truyền thống. Tuy nhiên, nếu dán lên ngà răng thì sẽ khó tiên lượng hơn do ngà răng có tính đàn hồi. Phục hình dán lên men sẽ dễ tiên lượng, vì độ bền dán trên men cao hơn rõ rệt so với trên ngà.

Dựa vào loại tinh thể và đặc tính lâm sàng, sứ thủy tinh được chia thành hai phân nhóm nhỏ khác nhau.

  • 2a

Vật liệu thuộc phân nhóm này gồm những thủy tinh trường thạch chứa ít leucit, có tỷ lệ tinh thể chiếm không quá 50% và giống với thủy tinh hơn, cũng đòi hỏi phải được dán vào mô răng.

Một vài thương hiệu thuộc nhóm này như IPS Empress CAD (Ivoclar Vivadent), VITABLOCS Mark II (VITA Zahnfabrik).

Vật liệu thuộc nhóm này có thể chỉ định tương tự như nhóm 1, phục hình cho các răng trước và răng cối nhỏ, hiếm dùng cho răng cối lớn. Tuy nhiên tỷ lệ thành công cao hơn với những vùng chịu lực hoặc trường hợp còn ít men răng và lộ ngà răng nhiều.

Chúng có độ trong suốt cao, tuy nhiên vẫn đòi hỏi chiều dày nhiều hơn để có thể chế tác và lên màu phù hợp (tối thiểu là 0.8mm nếu đắp thêm bề mặt bằng sứ phủ). Các vật liệu trong phân nhóm này có độ bền cao hơn sứ phủ, chủ yếu là nhờ kỹ thuật chế tác sử dụng các khối sứ công nghiệp đặc, cũng có thể là nhờ leucite và khả năng của leucite giúp điều chỉnh độ co giãn nhiệt, ngăn chặn sự lan truyền các vết nứt.

Loại sứ đặc này được chỉ định cho những veneer dày hơn, mão răng trước, inlay và onlay răng sau; nhưng chỉ khi nào đảm bảo được dán kín về mặt lâu dài.

Su7Su8Mặt dán bằng sứ thủy tinh có lớp sứ phủ tối thiểu ở cạnh cắn

  • 2b

Nhóm này gồm các loại sứ thủy tinh chứa nhiều tinh thể (phase tinh thể chiếm trên 50%). Chúng xuất phát từ một khối thủy tinh đồng nhất, qua quá trình xử lý để tạo nhân và phát triển nhân tinh thể. Quy trình này giúp tăng cường các đặc tính vật lý và cơ học bằng cách tối đa hóa sự có mặt của tinh thể và tạo lực nén quanh tinh thể.

Điển hình của phân nhóm này đó là sứ lithium disilicat, như trong hệ thống IPS e.max (Ivoclar Vivadent). Chúng có thể được sản xuất dưới dạng thỏi dùng để ép nhiệt hoặc dạng khối để tiện bằng máy. Lithium disilicat có chỉ định lâm sàng tương tự như các loại sứ thủy tinh khác. Ngoài ra, khi được thực hiện dưới dạng phục hình nguyên khối gắn bằng resin cement, chúng còn phù hợp với những vùng chịu lực nhai lớn, thậm chí là cho các răng cối.

Su9Su10Su11Một onlay làm bằng sứ thủy tinh nguyên khối

Một dạng mới của nhóm này đó là sứ lithium disilicat được tăng cường zirconia (ZLSs). Chẳng hạn như VITA Suprinity (VITA Zahnfabrik), CELTRA Duo (DENTSPLY). Các vật liệu ZLS chứa sứ thủy tinh lithium disilicat được gia cố thêm với khoảng 10% tinh thể zirconia. Ở thời điểm hiện tại thì loại vật liệu này vẫn còn rất mới trên thị trường, tuy nhiên những thử nghiệm in vitro ban đầu đã cho thấy chúng có tính chất quang học tuyệt vời và các đặc tính vật lý tương tự như sứ lithium disilicat. Tuy nhiên, chỉ có duy nhất sứ lithium disilicat là có những dữ liệu lâm sàng lâu dài cho phép sử dụng làm phục hình đơn lẻ ở tất cả vị trí trên cung hàm.

Su12Hình ảnh minh họa tính chất quang học của sứ lithium silicat có tăng cường zirconia (Suprinity)

  1. Sứ tinh thể

Vật liệu nhóm 3 là những sứ tinh thể độ bền cao, không có hoặc chỉ có phase thủy tinh ở mức tối thiểu, và cũng được sản xuất bằng quy trình công nghiệp. Chúng khác với sứ thủy tinh chủ yếu là ở cách khung tinh thể thiêu kết của một vật liệu modulus lớn (chiếm 80-100%) tạo liên kết với các phần tử trong phase tinh thể.

  • 3a

Vật liệu thuộc phân nhóm này được chế tác bằng cách tạo một khung rỗ dưới dạng khối sứ, được tạo hình bằng công nghệ CAD/CAM, sau đó vật liệu của phase thứ hai sẽ được nung nóng chảy rồi bơm đầy vào những chỗ rỗ đó. Vật liệu này là một mạng lưới 85% tinh thể ngấm một lượng nhỏ thủy tinh. Tuy nhiên, chúng đang dần biến mất khỏi thị trường và thay thế bởi sứ đa tinh thể 100%.

  • 3b

Là sứ tinh thể 100%, còn gọi là sứ oxyt. Ban đầu là những vật liệu alumina như NobelProcera Alumina (Nobel Biocare) và hiện tại là zirconia như LAVA (3M ESPE), Prettau (Zirkonzahn), IPS e.max ZirCAD (Ivoclar Vivadent), NobelProcera Zirconia (Nobel Biocare). Các hệ thống sứ alumina cho thấy đạt thành công với các phục hình đơn lẻ, tuy nghiên do nguy cơ thất bại cao ở vùng răng cối nên dần thay thế bởi zirconia và lithium disilicat.

Zirconia có thể được dùng với những trường hợp mất nhiều mô răng, vùng có nguy cơ cao do chịu lực lớn, mão và cầu răng sau. Ngoài ra, khi không thể đảm bảo việc dán và kín sát tốt (như có vấn đề kiểm soát độ ẩm, lực căng và lực xé lớn lên bề mặt dán) thì sứ oxyt độ bền cao sẽ rất phù hợp, vì chúng có thể gắn bằng cement theo phương pháp truyền thống. Tuy nhiên mão zirconia toàn bộ lại dễ gây mòn răng đối diện.

Su13Su14Hình ảnh trên mẫu hàm và trong miệng của cầu răng sứ sườn zirconia, có sứ phủ màu hồng cho phần nướu

Cả zirconia và alumina đều có độ bền cao hơn so với nhóm 1 và 2, có thể dùng để làm cùi giả thay cho kim loại. Tuy nhiên do có thành phần tinh thể cao nên chúng đục màu hơn, làm giảm tính thẩm mỹ. Do đó chúng thường được đắp thêm sứ phủ để cải thiện. Sứ oxyt thường đòi hỏi chiều dày từ 1.2mm đến 1.5mm tùy theo màu cùi bên dưới. Một số phục hình nguyên khối zirconia nay đã có dạng trong suốt hơn. Tiên phong trên thị trường là BruxZir (Glidewell Laboratories), và sau đó là sự tham gia nhiều nhà sản xuất khác như LAVA Premium (3M ESPE), Zenostar (Ivoclar Vivadent), Cercon HT (DENTSPLY), inCoris TZI (Sirona), LumiZir (DenMat).

Su15Su16Phục hình zirconia nguyên khối (Prettau) trước và sau khi lên màu và thiêu kết sau cùng.

Tổng kết

Chỉ định và thành phần của các vật liệu sứ nha khoa ngày nay cung cấp một nền tảng cơ sở để thông qua đó ta có thể xác định được loại sứ phù hợp cho mỗi trường hợp. Một số yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến việc chọn lựa vật liệu như độ bảo tồn mô răng, đòi hỏi về duy trì lực dán, thẩm mỹ, thiết kế nụ cười và màu răng.

Vật liệu sứ của cả nhóm 1 và 2 đều có tính thẩm mỹ cao, tuy nhiên độ bền vẫn còn hạn chế. Tất cả đều chịu lực căng và lực xé yếu hơn so với lực nén, tuy nhiên nếu kiểm soát được các lực chức năng thì vẫn ta có thể thành công ngay cả với những vật liệu yếu.

Các loại sứ nhóm 3 đạt được độ bền tuy nhiên lại thiếu thẩm mỹ. Tuy nhiên, khi không thể kiểm soát được các lực chức năng , khi cần sử dụng các vật liệu cứng hơn, ta có thể đắp thêm sứ phủ lên để tạo thẩm mỹ.

Một phục hình lý tưởng là phục hình chỉ cần một trong các nhóm sứ nói trên. Tuy nhiên, với các loại vật liệu đang có, thực hiện được một phục hình thỏa mãn được tất cả các yêu cầu vẫn còn là một nhiệm vụ bất khả thi.

Source: Dr. Edward McLaren, Dr. Johan Figueira
https://bacsihai.wordpress.com/2015/04/18/phan-loai-cac-vat-lieu-su-trong-nha-khoa/

Có thể xem thêm

Chưa có bình luận

Bình luận bị khóa